Tác phẩm Bùi_Dương_Lịch

Trước tác của Bùi Dương Lịch chủ yếu bằng chữ Hán, gồm có:

  • Bùi gia huấn hài (Sách dạy trẻ của nhà họ Bùi): gồm 2. 000 câu, mỗi câu 4 chữ, khắc in năm 1787. Đây là những trích lục cách ngôn Khổng giáo và kiến thức đương thời dùng để dạy học trò, được Phan Huy Chú khen là "lời gọn, ý rộng" (Văn tịch chí).
  • Ốc lậu thoại (Câu chuyện ở nơi nhà dột) là một tập hợp thơ văn trên 50 bài, gồm đề vịnh (vịnh cảnh, vịnh phong thổ...), cảm tác theo kiểu "ngôn chí", hoặc bàn giải về đạo trời, đạo Phật...
  • Lê quý dật sử (Dật sử cuối đời Lê): ghi chép các sự kiện lịch sử cuối Lê và Tây Sơn trong 35 năm (1758 - 1793) theo lối biên niên.
  • Yên Hội thôn chí (Địa chí thôn Yên Hội) là tập địa phương chí viết về làng quê của tác giả. Phần cuối có phụ lục Bùi gia phả (từ thủy tổ đến tác giả là 7 đời)
  • Nghệ An phong thổ ký (ghi chép về phong thổ Nghệ An): do nhiều người viết, Bùi Dương Lịch làm Chủ biên, có lẽ hoàn thành vào khoảng năm 1811 - 1812.
  • Nghệ An chí: chép sơ lược địa chí Nghệ An.
  • Nghệ An ký (Ghi chép về xứ Nghệ An), gồm 2 tập, được xem là tập đại thành của hai cuốn Nghệ An phong thổ ký và Nghệ An chí. Đây là một trong những tác phẩm địa chí có tiếng của Việt Nam [12].